Phổ nhạc là một kỹ năng cơ bản của một người nhạc sĩ! Nhiều người dù một nốt bẻ đôi không biết vẫn có thể cho ra đời những bài hát cực kỳ bắt tai, nhưng khả năng thiên phú đó không phải ai cũng có. Cùng theo dõi bài viết này để biết cách phổ nhạc hay chưa từng được bật mí trước đây.
1. Lên sườn bài cho ca khúc:
Muốn phổ nhạc, trước hết bạn cần phải xác định cấu trúc của bài hát. Viết ra giấy sườn bài mà bạn muốn phát triển theo, sắp xếp lại từng phần với lời nhạc cụ thể.
Intro: Một đoạn nhạc dạo đầu ngắn để dẫn dắt người nghe đi vào bài hát. Nhạc cụ thường đóng vai trò chính trong phần này.
Nghĩ xem bạn sẽ chọn nhạc cụ nào để phù hợp với thể loại, phong cách, cảm xúc của bài hát. Có thể phối hợp nhiều loại nhạc cụ với nhau, nhưng nhớ rằng luôn phải có một nhạc cụ đóng vai trò chính. Thường nhạc cụ chính sẽ chơi lại giai điệu của phần Verse hoặc Chorus.
Verse: Đây là phần bạn sẽ kể câu chuyện của mình, nên cần chú trọng lời bài hát. Chú ý không để nhạc át mất phần lời hay làm người nghe mất tập trung, bỏ sót đi ý nghĩa của bài hát.
Chorus: Điệp khúc là phần quan trọng nhất, vì trong phần này bạn sẽ “khoe” giai điệu bắt tai của bài hát. Giai điệu đó nên lặp đi lặp lại để người nghe thêm dễ nhớ. Cả phần điệp khúc cũng sẽ xuất hiện nhiều lần, thường là sau mỗi đoạn verse. Tuy nhiên điệp khúc cuối cùng trước khi kết thúc bài hát thường có chút thay đổi để tạo bất ngờ.
Bridge: Đây là đoạn cao trào, không bắt buộc phải có trong tất cả các ca khúc nhưng là yếu tố cần thiết để đột phá khỏi cấu trúc nhàm chán thông thường. Phần này thường sẽ xuất hiện khi bài hát đã đi được 2/3 chặng đường. Phần lời cũng như nhạc cần có nhiều khác biệt để tạo bất ngờ cho người nghe. Nó đóng vai trò như một cú “plot twist” xoay chuyển hoàn toàn nội dung bài hát, hoặc là nơi mà bạn hé lộ bí mật ẩn giấu trong nội dung từ đầu bài hát.
Đừng quên nghĩ ra một cái tên cho bài hát trước khi bắt tay vào phổ nhạc, thường chỉ cần vài từ ngắn gọn để gây chú ý với người nghe.
Một ví dụ điển hình về cấu trúc bài hát. Ca khúc Firework của Katy Perry.
2. “Bắt liền tay” những ý tưởng xuất hiện trong đầu:
Sự sáng tạo rất khó để nắm bắt vì nó thường đến vào những lúc bạn không có bất kỳ sự chuẩn bị nào hay những lúc bạn chẳng bao giờ ngờ tới. Một vài ý tưởng sáng tạo nhất sẽ lóe lên trong đầu khi mà trong tay bạn chẳng có nhạc cụ hay giấy bút để ghi lại.
Rất may là trong thời đại này, một chiếc smartphone là vật bất ly thân mà bất ai cũng có, nó sẽ là giải pháp cho bạn. Ghi chú lại những ý tưởng trong đầu bạn vào phần note, hoặc nếu có thể, ngâm nga giai điệu bạn vừa nghĩ ra, gõ nhịp theo bằng tay và dùng smartphone để ghi âm lại. Đó sẽ là tư liệu hữu ích cho bạn về sau.
Thời đại smartphone vậy chứ mà cũng giúp ích cho việc viết nhạc đó nha!
3. “Nghịch” nhạc cụ:
Biết chơi nhạc cụ là một lợi thế. Để khám phá ra những giai điệu thú vị, bạn chỉ cần ngồi “nghịch” trên phím đàn piano, và tùy hứng đánh một vài nốt nhạc; hay vừa gẩy đàn guitar, vừa ngâm nga một giai điệu bạn vừa bất chợt nghĩ đến trong đầu.
Bạn sẽ khám phá ra một vài nốt nhạc hay giai điệu ngẫu nhiên được sắp xếp cùng nhau lại hay đến bất ngờ
Ngay cả khi bạn không chủ động, những ý tưởng và nguồn cảm hứng vẫn sẽ tự tìm đến khi bạn thả mình trong âm nhạc.
Viết nhạc mới khó chứ “nghịch” nhạc cụ thì dễ thôi mà!
4. Sử dụng phần mềm ký âm:
Đặc biệt, khi bạn không biết chơi nhạc cụ, bạn vẫn có thể nhờ sự trợ giúp từ công nghệ. Các phần mềm ký âm có thể được tìm thấy dễ dàng và tải miễn phí trên mạng (ví dụ như phần mềm Musecore). Thay vì dùng nhạc cụ để thể hiện giai điệu của mộ bài hát, bạn chỉ cần sắp xếp các nốt nhạc vào một khuông nhạc được kẻ sẵn trong phần mềm, và chọn loại nhạc cụ. Phần mềm sẽ thể hiện giai điệu đó cho bạn. Bạn thậm chí có thể dùng nhiều nhạc cụ khác nhau và phối hợp chúng trong bài hát của mình. Đây là một cách nhanh chóng và hữu ích khi soạn nhạc để đánh giá và có cái nhìn tổng quát về bài hát, tuy nhiên bạn cũng cần phải có những kiến thức cơ bản về nhạc lý và ký âm để sử dụng những phần mềm này.
5. Thêm phần hòa âm vào cấu trúc có sẵn:
Hòa âm là kỹ thuật sử dụng các nốt nhạc trong cùng một thang âm chồng lên nhau. Nói nôm na là làm cho bài hát hay hơn bằng cách thêm các giai điệu phụ song song để “tôn lên” giai điệu chính. Cách thông thường là sử dụng một giọng ca bè, hát lại phần lời ở một độ cao khác song song với giọng ca chính.
Các giai điệu chính phụ trong bài hát muốn tạo được sự hòa hợp cần tuân thủ theo “luật” của đoạn nhạc. Điểm mấu chốt là bạn phải xác định thang âm và nhịp của đoạn nhạc đó là gì để thêm các nốt nhạc phù hợp và sắp xếp nhịp cho đồng điệu. Điều này luôn được áp dụng khi hòa âm, phối nhạc cụ hay hát bè…
Để hòa âm “chuẩn”, bạn cần phải có kiến thức cơ bản về nhạc lý và nỗ lực tập luyện, tuy nhiên một số người vẫn có thể bè một cách tự nhiên khi mà bẩm sinh họ đã có cảm âm tốt.
Tập hòa âm theo các bài hát có sẵn cũng là một cách để bạn cải thiện khả năng hòa âm của mình. Và đôi khi trong quá trình đó, bạn lại có thể sáng tạo nên những giai điệu mới dành riêng cho các ca khúc của mình.
Hòa âm là sử dụng nốt nhạc trong cùng một thang âm chồng lên nhau.
6. Chỉnh sửa lại nhiều lần:
Để cải thiện, “trau chuốt”, và cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo nhất, hãy chơi đi chơi lại thật nhiều lần. Bạn sẽ phát hiện có một vài chỗ nghe hay hơn khi chơi theo cách khác. Hoặc chơi cho người khác nghe để họ đánh giá. Quy trình viết nhạc sẽ không bao giờ thật sự kết thúc nếu bạn chưa có được thành phẩm mà bạn hài lòng nhất. Càng nhiều lần cải thiện và “xé nháp” các phiên bản cũ, bạn càng tiến gần hơn đến với kết quả mà mình mong muốn.